Ngày 17-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Chiến lược) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
Theo ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), mục tiêu chung của Chiến lược là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản bình quân từ 2,5% - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông - lâm - thủy sản bình quân từ 5,5% - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt bình quân từ 5% - 6%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành "nơi đáng sống" - văn minh, xanh, đẹp với điều kiện sống, thu nhập của cư dân nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị…
"Nông nghiệp nước ta bị một lời nguyền: manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Từ điểm yếu đó kéo theo hàng loạt vấn đề như thị trường, giá cả bấp bênh. Chiến lược này đặt nền tảng từ tổ chức lại sản xuất. Cơ cấu lại nông nghiệp phải bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất chứ không thể 10 triệu hộ nông dân cứ sản xuất trên 10 triệu mảnh ruộng. Sự manh mún, nhỏ lẻ sẽ không dự báo được thị trường" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, để thực hiện tốt các mục tiêu Chiến lược đề ra cần đẩy mạnh việc tập huấn, đào tạo nông dân, giúp nông dân chuyển đổi mạnh mẽ tư duy. "Cùng một loại nông sản nhưng tiếp cận bằng tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ cho giá bán khác. "Cùng một trái xoài, bán bên lề đường giá khác, đưa lên kệ đã cho mức giá khác, để trong cửa hàng sang trọng, đóng gói bao bì đẹp lại có giá khác. Nông dân chỉ có thể làm giàu bằng tư duy kinh tế nông nghiệp" - ông nói. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng lâu nay, các ngành chức năng mới chỉ hướng dẫn nông dân sản xuất chứ chưa dạy nông dân làm giàu - nghĩa là dạy cách bán nông sản, bán niềm tin cho khách hàng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình Hội quán trồng xoài ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp Ảnh: Ngọc trinh
Chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang "tích hợp đa giá trị".
Hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Do vậy, ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: quốc gia, cấp tỉnh, địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hiệp hội, hội.
Cùng với nông nghiệp, ngành chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập để từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra, bảo đảm "ly nông bất ly hương". Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn từ loại hình, quy mô... để tạo việc làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, về phát triển thị trường, để bảo đảm đầu ra cho nông sản, thị trường trong nước cần đổi mới hệ thống phân phối nông sản; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản. Với thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp chủ động phát huy cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.
Nguồn: Báo Người Lao Động