Tin tức

Nông sản Việt Nam cần được đặt hàng chứ không phải chờ giải cứu

(20/01/2022 15:41:57)

Thường trực Ban Bí thư cho rằng thu hút đầu tư vào nông nghiệp phải làm sao để nông sản Việt Nam được đặt hàng chứ không phải chờ giải cứu.

Ngày 19/1, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 (Ban Chỉ đạo) và Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức hội nghị góp ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết nhiều chỉ tiêu trong Nghị quyết 26 đề ra đến năm 2020 đạt và vượt.

Điển hình thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,5 lần so với năm 2008 (mục tiêu là trên 2,5 lần); số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62,4% (mục tiêu là khoảng 50%); tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn bình quân giảm 1,21%/năm (mục tiêu là giảm 1-1,5%/năm).

Tuy nhiên, ông Hưng cũng chỉ ra bất cập khi tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm, sản xuất có chất lượng, hiệu quả và tính bền vững chưa cao; ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp…

Vì thế, nông nghiệp cần cơ cấu lại theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Theo ông, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải chú trọng cơ cấu lại lao động, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”.

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý nghị quyết mới phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, các hạn chế, yếu kém phải được khắc phục tối đa, đặc biệt là thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp.

“Làm sao để nông dân an tâm và có thể làm giàu trên đất mà Nhà nước đã giao và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để nông sản Việt Nam được đặt hàng chứ không phải chờ đợi giải cứu”, Thường trực Ban Bí thư nói.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.C.

Nhấn mạnh nông thôn có thể trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp, Thường trực Ban Bí thư cho rằng đây còn là môi trường bền vững để giữ an ninh trật tự và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

“Nếu lãng mạn hơn chúng ta có thể suy nghĩ tới điệu hát then, dân ca quan họ, các chiếu chèo hay câu vọng cổ được ngân lên ở làng nông thôn mới vào mỗi buổi chiều. Người nông dân có thể ngồi nhâm nhi vài ly rượu, ngủ ngon lành mà không sợ nông sản hôm sau mất giá, không sợ thiếu tiền đóng học phí cho con”, ông Thưởng cho rằng phải nghĩ tới những điều này, vì đó mới là chất lượng trong cuộc sống của người dân.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo tiếp thu chắt lọc kỹ lưỡng ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị quyết để phấn đấu đến tháng 3 trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tiếp tục hoàn thiện đến tháng 5 trình Trung ương.

Nguồn: Báo Mới

Thông tin liên quan